Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, từ năm 1995 đến cuối năm 2010, có hơn 257.555 công dân Việt Nam kết hôn với nước ngoài hoặc kết hôn với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó trên 80% là phụ nữ Việt Nam. Công dân Việt Nam đã kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó số lượng đông là kết hôn với công dân Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Australia, Thụy Điển… Đáng lưu ý là việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với nam giới Đài Loan, Hàn Quốc và việc chung sống như vợ chồng giữa phụ nữ Việt Nam với nam giới Trung Quốc cùng cư trú ở khu vực biên giới Việt Trung đang có xu hướng gia tăng.
Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mặc dù phần lớn các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài đều đạt được mục đích hôn nhân, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan, nhưng gần đây cũng xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thông qua hoạt động môi giới bất hợp pháp, khiến hàng ngàn phụ nữ sau khi kết hôn lâm vào hoàn cảnh sống khó khăn, bị ngược đãi, bị buôn bán với mục đích mại dâm, thậm chí bị đánh đập dẫn đến thương tật suốt đời hoặc tử vong. Trào lưu kết hôn không mang tính tự nguyện, kết hôn vì mục đích kinh tế (kết quả khảo sát xã hội học gần đây nhất cho thấy có 31% phụ nữ Việt Nam muốn lấy chồng Đài Loan để kiếm việc làm, tăng thu nhập; 15,6% muốn lấy chồng nước ngoài giàu có để giúp đỡ gia đình) không chỉ làm tăng nguy cơ mất cân bằng giới tính ở độ tuổi kết hôn, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ Việt Nam mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục và mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với quốc gia, vùng lãnh thổ mà phụ nữ Việt Nam đã kết hôn.
Hội nghị đã khuyến nghị năm nhóm giải pháp nhằm giúp đỡ những người kết hôn có yếu tố nước ngoài trong thời gian tới, đó là:
1) Tăng cường quản lý nhà nước về hôn nhân – gia đình. Kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hôn nhân – gia đình nói chung, trong đó có vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Hình thành mạng lưới các cơ sở hỗ trợ hôn nhân ở các địa phương để đáp ứng nhu cầu về tư vấn, hỗ trợ hôn nhân – gia đình nói chung, thực hiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ gia đình, kể cả tư vấn hôn nhân trong nước và nước ngoài. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý triệt để, kịp thời và nghiêm minh mọi hành vi vi phạm về hôn nhân – gia đình, nhất là các hoạt động môi giới lấy chồng bất hợp pháp.
Nhà nước đàm phán và ký kết với các nước các hiệp định song phương về tương trợ tư pháp. Đối với những nước có nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng cần ký các hiệp định riêng biệt về hôn nhân có yếu tố nước ngoài để cùng hợp tác bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam.
2) Tăng cường công tác truyền thông – giáo dục. Chú trọng truyền thông – giáo dục về pháp luật và các kiến thức cần thiết. Cung cấp thông tin chính thức, trung thực về luật pháp, chính sách, phong tục, tập quán và văn hóa của các quốc gia và vùng lãnh thổ mà phụ nữ đang muốn lấy chồng để họ và gia đình biết, có cơ sở quyết định đúng đắn về hôn nhân.
3) Hỗ trợ về kinh tế. Tăng cường các chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương, tạo ra nhiều cơ hội học nghề, làm việc cho phụ nữ nông thôn. Thực hiện đồng bộ các chính sách việc làm, giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo ở những nơi có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài.
4) Các giải pháp về văn hóa – xã hội. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng và các dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là nữ thanh niên, có điều kiện tiếp cận thông tin, nâng cao dân trí, có quan niệm và nhận thức đúng về hôn nhân – gia đình. Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn tệ môi giới, lừa đảo phụ nữ lấy chồng người nước ngoài, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.
5) Phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng. Chú trọng giáo dục từ gia đình, dòng họ về nếp sống, gia phong để hình thành nhân cách, nâng cao bản lĩnh sống, giúp phụ nữ tăng khả năng thích ứng trước những biến động, rủi ro khi ra đời. Tăng cường vai trò trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… trong việc giúp đỡ, tương trợ những phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì hoàn cảnh éo le phải trở về nước.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận xét: Trong 5 năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý kết hôn với người nước ngoài ngày càng hoàn chỉnh. Tuy vậy, hiện nay việc chấm dứt tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp; thực hiện hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, đảm bảo phong tục, tập quán của đất nước trong nhiều trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài vẫn chưa thực hiện được, bởi đây là những cuộc hôn nhân “4 không”: không tình yêu; không biết văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; không biết tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh gia đình của đối tượng đến cầu hôn.
Để khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương phải có nhiều giải pháp đồng bộ để biến thực trạng hôn nhân “4 không” thành hôn nhân “5 biết”. Cụ thể là biết văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; biết tình trạng sức khỏe; hoàn cảnh gia đình của đối tượng sẽ kết hôn và hiểu biết pháp luật về hôn nhân gia đình; biết về thực trạng những cuộc hôn nhân nước ngoài thành công và thất bại của những chị em đi trước, từ đó xây dựng hôn nhân trên nền tảng có tình yêu sự hiểu biết và cảm thông chia sẻ.
Đồng thời các Bộ Công an, Tư pháp và Ngoại giao phải có sự phối hợp trong việc hoàn chỉnh các hệ thống pháp luật liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đưa ra các biện pháp đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ, ngăn chặn các hành vi trục lợi, phạm pháp từ những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.
Sửa đổi lần cuối